Mình ôn lại kiến thức mấy buổi trước nhé. Người ta thường ví von tiền với dòng chảy của nước. Tiền vào (thu nhập) là dòng nước chảy vào, tiền ra (chi tiêu) là dòng nước chảy ra và tiền dư (tiết kiệm) có thể coi là nước chảy chỗ trũng.
Khi nghĩ vậy, thì các trạng thái dòng tiền của chúng ta cũng như trạng thái dòng chảy, khi chảy siết, khi nhỏ giọt. Trong cuộc đời, chúng ta sẽ trải nghiệm 4 trạng thái dòng tiền chảy khác bản thân:
Giai đoạn 1 - Vào nhiều, ra ít
Giai đoạn 2 - Vào nhiều, ra nhiều
Giai đoạn 3 - Vào ít, ra nhiều
Giai đoạn 4 - Vào ít, ra ít
Khi đặt ra câu hỏi làm sao quản lý chi tiêu mà không bị tâm lý dè sẻn, sống khổ? Thì đầu tiên chúng ta phải nhận thấy một điều là ở các giai đoạn khác nhau - cách chi tiêu và khả năng chi tiêu của chúng ta cũng khác biệt.
Nếu như ở giai đoạn 1, ít khi chúng ta phải suy nghĩ về việc quản lý chi tiêu thì ở giai đoạn 3, chúng ta lại đau đáu cắt giảm các khoản tiêu thừa thãi. Vậy để quản lý chi tiêu mà không bị ảnh hưởng tâm lý dè sẻn hay hoang phí - đầu tiên để quản lý được thì chúng ta phải có quan sát và ghi chép.
Nếu chúng ta không có sự quan sát và ghi chép, hầu hết mọi người không có nhiều kiến thức tài chính thường “có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu”, nên không hiểu sao lương 5 triệu thì tiêu một tháng hết mà lương 50 triệu thì em cũng tiêu một tháng.
Khi không có thông tin chi tiêu cá nhân, nếu bạn bỗng dưng được cầm được một khoản thừa kế hay thưởng vài trăm triệu, khả năng cao là bạn sẽ cầm nó đi tiêu ngay lập tức. Có lẽ đó cũng là lí do mà hầu hết những người trúng số đều quay trở lại…vạch xuất phát sau 2-3 năm tiêu xài hoang phí số tiền từ trên trời rơi xuống.
Để tránh rơi vào trường hợp này, điều đầu tiên chúng ta cần là ghi chép chi tiêu. Một quyển sổ nhỏ, một bảng excel, một app tài chính ở điện thoại là thứ để bạn có thể bắt đầu. Ngay khi ghi chép, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn nhiều.
Mình đã từng tư vấn tài chính cho một chị gái, chị luôn nói chị nghĩ một tháng chị tiêu khoảng 20 triệu. Đến khi mình và chị ngồi ghi lại chi tiêu trong 1 tuần, chị tá hoả lên khi tuần đó chị tiêu mất 30 triệu, nhưng rồi chị biện minh rằng tuần này có nhiều yếu tố đặc biệt.
Đến khi ghi sang tuần thứ 2, chi tiêu của chị cũng rơi vào 15 triệu, nhiều hơn nhiều so với con số chị dự đoán mỗi tháng. Mình có nói điểm an ủi lớn nhất của chị là chị có thu nhập đủ cao, để dù tiêu nhiều nhưng vẫn có thu nhập bù lại. Nhưng bản thân việc không ghi chép khiến chị thiếu nhiều nhận thức quan trọng để điều chỉnh các khoản chi của mình.
Ngay khi có sự ghi chép, và nhìn nhận lại, bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy được tỉ lệ chi tiêu của bạn rơi vào những khoản nào, khoản nào cao và thấp để từ đó có sự cân đối và hiểu thấu về chi tiêu. Và mình sẽ cân đối thu chi theo NHU CẦU sử dụng của mình mỗi tháng, chứ không phải cân đối theo THU NHẬP của mình mỗi tháng. Với cách này, dù kiếm được nhiều tiền hay kinh tế khó khăn thì cuộc sống cá nhân của mình cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Mình lấy một ví dụ đơn giản, mình đã có ghi chép tài chính thành thói quen được hơn 10 năm nay. Mình biết rằng mỗi tháng mình sẽ tiêu tốn khoảng 5 triệu cho tiền ăn uống cá nhân. Nếu tháng nào đi ăn tiệm nhiều, nó có thể tăng tầm 20% chứ không nhiều hơn và ở những tháng ăn uống tiết kiệm thì số tiền này cũng sẽ giảm khoảng 20-30% chứ không chênh lệch quá mức khỏi con số đó.
Với kiến thức này, cho dù thu nhập và dòng tiền của mình đang ở giai đoạn 1 (vào nhiều, ra ít) thì mình cũng không bỏ tiền cho ăn uống từ 5 triệu lên 10 triệu mà vẫn giữ ở khoảng mức khiến mình sống vui vẻ thoải mái. Khi đã có con số phù hợp theo nhu cầu sử dụng, mình ít khi phải băn khoăn là đang quá tay hay dè sẻn.
Bên cạnh đó, khi mình đã có ghi chép và biết được mức chi tiêu mỗi tháng thì dù dòng tiền của mình lên xuống thất thường, mình cũng ít khi để nó ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống. Mình lấy ví dụ chi tiêu của mình mỗi tháng cơ bản là 30 triệu trong 2 năm.
Năm đầu mình làm ăn được, mỗi tháng kiếm được 50 triệu. Khi này mình có thể vui vẻ tăng chi tiêu lên mức 35 triệu mỗi tháng, mình vẫn sẽ để dành được 15 triệu tiết kiệm hay đầu tư.
Năm thứ hai mình làm ăn thua lỗ, mỗi tháng chỉ kiếm được 25 triệu. Khi này dù mình vẫn lựa chọn để mức chi tiêu là 30 triệu mỗi tháng, thì mỗi tháng mình có thể lấy ra ở tiết kiệm 5 triệu để bù lại mức chênh lệch giữa thu và chi. Và mình vẫn vui sống đủ nhu cầu mà không phải quá khổ.
Với cách xử lý này, sau 2 năm thì mình không phải dè sẻn, tiết kiệm mà mình vẫn sống được ở mức chi tiêu phù hợp với nhu cầu, và để ra thặng dư sau hai năm kinh tế lên và xuống. Như vậy, sự chi tiêu của mình có sự chủ động và thoải mái nhờ có kỉ luật - hiểu rõ nhu cầu bản thân và bắt đầu từ một thứ rất đơn giản: ghi chép chi tiêu.
Tác giả: Cô giáo Mto
___
Đăng kí ngay khoá học Tư duy trù phú, bạn sẽ được:
Làm bài "test" kiểm tra tình hình tài chính
Đi tìm nguyên nhân, thực hành giải quyết triệt để các vấn đề, nỗi sợ đang cản trở tiền của bạn
Học cách kiếm tiền hiệu quả, tiêu tiền hợp lý
Có thêm các công cụ quản lý tài chính, đầu tư hợp lý
Xây dựng và thực hành tư duy trù phú
Giúp bạn định hướng lại tư duy về tiền
Giúp bạn kiếm và quản lý tiền chủ động, nhàn nhã và hiệu quả, thỏa mãn hơn
Comments