top of page

Các trạng thái dòng tiền của bản thân 

Người ta thường ví von tiền với dòng chảy của nước. Tiền vào (thu nhập) là dòng nước chảy vào, tiền ra (chi tiêu) là dòng nước chảy ra và tiền dư (tiết kiệm) có thể coi là nước chảy chỗ trũng.



Khi nghĩ vậy, thì các trạng thái dòng tiền của chúng ta cũng như trạng thái dòng chảy, khi chảy siết, khi nhỏ giọt. Khi bạn ở trạng thái nào, thì hãy làm đúng việc ở trạng thái đấy.


4 trạng thái dòng tiền mà mình thấy ai cũng sẽ trải qua là:


Giai đoạn 1 - Vào nhiều, ra ít: trạng thái này các cụ thường hay bảo là tiền vào như nước sông đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin. Ở trạng thái này thì mình tất nhiên sẽ có thặng dư và tiết kiệm. Đây là giai đoạn mà mình kiếm được quá trời mà tiêu chẳng bao nhiêu. Ai mà đang ở trạng thái dòng tiền này thì sống vui vẻ phát triển, lúc nào cũng thấy tự tin.


Thường đây là lúc mà chúng ta bắt đầu có xu hướng nâng cấp chất lượng sống của mình. Ví dụ khi mới sinh viên ra trường chỉ ăn các món vỉa hè, vài chục nghìn một bữa nhưng khi bắt đầu được tăng lương, chúng ta sẽ bắt đầu có nhu cầu ăn ở các nhà hàng sang trọng hơn, chất lượng hơn. 


Giai đoạn 2 - Vào nhiều, ra nhiều: Đây là giai đoạn chúng ta kiếm rất ổn, tiêu cũng khá khá. Thế thì dự trù chung của mình là thời gian này sẽ rất bận. Kiếm tiền tốn thời gian, tiêu tiền cũng tốn thời gian công sức mà. Vừa tiêu vừa kiếm đều mất thời gian và, chắc cuộc sống có nhiều biến đổi liên tục và thú vị, đây là giai đoạn mình phát triển như vũ bão cả về mặt con người lẫn cuộc sống.


Nhiều người bạn từng trải qua giai đoạn này thường chia sẻ với mình thời gian trôi qua như một cơn gió, phải đến lúc ngồi nhìn lại mới thấy mình đã đi nhanh và đi xa đến thế nào. Tuy nhiên vì đây là giai đoạn hành động nhiều và liên tục nên chúng ta cũng có nguy cơ dễ mắc phải nhiều sai lầm tài chính trong thời điểm này. 


Giai đoạn 3 - Vào ít, ra nhiều: Đây là giai đoạn mà không có ai ưa thích cả, nhưng hầu hết mọi người đều từng trải nghiệm một vài lần trong đời. Có thể là do kinh tế và hoàn cảnh, có thể là do bản thân nhưng đây là giai đoạn mà chúng ta kiếm tiền rất khó khăn, nhưng chi tiêu thì quá mức kiếm được. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và đặc biệt là giai đoạn hậu covid, khi hàng loạt các công ty cắt giảm nhân sự thì rất nhiều bạn đang rơi vào tình trạng “vào ít, ra nhiều này”.


Dù nghe có vẻ ảm đạm tiêu cực, nhưng thực ra đây lại là giai đoạn phù hợp nhất để chúng ta học về chi tiêu, cân đối thu chi. Nếu bình thường tiêu 10 thứ, giờ cắt giảm chi tiêu mình sẽ chỉ ưu tiên những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống của mình. Mấy khoản chi tiêu phù phiếm không cần thiết sẽ bị chúng ta cắt giảm, loại bỏ đầu tiên. Khi trải qua giai đoạn này và bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng, cân đo đong đếm lại bạn này sẽ học được khá nhiều về nhu cầu của bản thân trong tiền bạc và cuộc sống. 


Giai đoạn 4 - Vào ít, ra ít: Giai đoạn này bạn chủ yếu ở nhà. Không có nhiều hoạt động, bạn không lao động kiếm ra tiền, nhưng cũng chả chi tiêu tốn mấy, mọi thứ bình lặng - nhẹ nhàng nhưng hơi bế tắc. Mình có thể mường tượng giai đoạn này như vòi nước bị tắc, cứ nhỏ từng giọt, từng giọt.


Hồi covid mình có trải nghiệm giai đoạn này vài tháng. Vì chúng ta đều không thể ra đường, nên cũng đi làm được. Không có thu nhập nhưng ở nhà cũng có tiêu gì đâu. Giai đoạn này khá nguy hiểm, vì nó khiến chúng ta có độ ì cao, cảm thấy bế tắc và mắc kẹt. 


Dựa vào cách phân tích này, chúng ta có thể nhìn thấy rằng: Nếu biết nắm rõ bức tranh toàn cảnh, hiểu được rằng các trạng thái dòng tiền chỉ đơn thuần là trạng thái, cuộc sống sẽ có lúc này lúc kia. Điều quan trọng là biết mình đang như thế nào, mất cân bằng ở đâu thì sẽ dễ dàng ra các quyết định tài chính phù hợp, từ đó chúng ta vẫn có thể CÂN BẰNG vui sống, có tư duy thoải mái chứ không khổ sở, vật vã vì dòng tiền.


Hãy tranh thủ tiết kiệm ở giai đoạn 1, chậm lại một chút ở giai đoạn 2, tìm ra các giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống của mình ở giai đoạn 3 và cố gắng hạn chế để bản thân ở giai đoạn 4. Và điều quan trọng nhất ta cần nhớ, là làm đúng việc đúng thời điểm và đưa ra quyết định tài chính hợp lý ở các trạng thái dòng tiền khác nhau. 


Tác giả: Cô giáo Mto

____

Đăng kí ngay khoá học Tư duy trù phú, bạn sẽ được:

  • Làm bài "test" kiểm tra tình hình tài chính

  • Đi tìm nguyên nhân, thực hành giải quyết triệt để các vấn đề, nỗi sợ đang cản trở tiền của bạn

  • Học cách kiếm tiền hiệu quả, tiêu tiền hợp lý

  • Có thêm các công cụ quản lý tài chính, đầu tư hợp lý

  • Xây dựng và thực hành tư duy trù phú

  • Giúp bạn định hướng lại tư duy về tiền,

  • Giúp bạn kiếm và quản lý tiền chủ động, nhàn nhã và hiệu quả, thỏa mãn hơn


Comments


bottom of page