top of page

Tình yêu tối thượng là cho phép người kia rời bỏ mình

Gửi những ai đang yêu, những ai đang được yêu, và những ai tưởng mình là hai đối tượng trên.

1. Mùa Đông năm ngoái khi nằm trong bồn tắm, tôi ngẩn người nghe video “True love” của sư thầy Minh Niệm. Ở đó thầy nói về 4 chất liệu tạo nên tình yêu đích thực, với độ khó – cũng là độ quý giá tăng dần:


Hiến tặng - Mang những giá trị tốt đẹp nhất của mình trao cho người kia, để cuộc sống họ thêm màu sắc và trù phú.


Sẻ chia - San sẻ những nỗi khổ niềm đau của người kia. Muốn biết các vấn đề, phiền não, tổn thương của họ (cả quá khứ/hiện tại/tương lai) để cho họ sự cảm thông và điểm tựa.


Nâng đỡ - Quan tâm tìm hiểu những hoài bão ước mơ của người kia. Nhắc nhở họ khi họ chán chường lạc lối, và tuyệt vời nhất là trợ giúp họ thực hiện những hoài bão đó.


Buông xả - Chất liệu cao quý và khó thực hiện nhất. “Buông xả” trước hết là bao dung cho những khuyết điểm, lầm lỗi của người kia. Nhưng còn xa hơn thế, ý nghĩa thật sự của nó là để người kia được tự do, không thao túng, kiểm soát, không khiến họ lệ thuộc vào mình.


Chữ “buông xả” đó, lúc bấy giờ tôi có thể hình dung, nhưng chưa rõ cách nào thực hiện. Cho đến khi tôi nghe được câu dưới đây từ thầy Menis.


2. “The ultimate love you can give your children, is allowing them to leave you.”


Lúc ấy thầy đang nghe tâm sự của một bạn gái, mà cả cuộc đời buồn bã của cô là sự nối dài của cuộc đời cha mẹ cô. Cô gắn bó với một công việc vì sự kì vọng và đầu tư của cha. Cô chọn lựa đối tác dựa trên những tổn thương và đe dọa của mẹ. Và dĩ nhiên, cô thống khổ.


Khi cô ngừng lời trong nước mắt, thầy hướng xuống cả hội trường:


“Tôi biết trong khán phòng này có nhiều người đã làm cha mẹ. Tôi mong các bạn hãy nghe kĩ điều này. Tình yêu tối thượng mà bạn có thể dành cho con cái, là cho phép chúng rời bỏ mình. Đừng bắt chúng trả giá cho cuộc đời bạn.”


Sự rời bỏ mà thầy nói không phải về vật lí, mà là trong tâm trí. Để đứa con rời bỏ mình, đồng nghĩa giải phóng nó khỏi những kì vọng, những ước mơ, những nỗi đau, những nhọc nhằn, những lo lắng, những bất mãn của mình. Không để bất cứ điều gì trong số đó bước vào đời con mình. Bằng không cả cuộc đời nó sẽ là để trả giá cho cuộc đời cha mẹ. Nó sẽ không bao giờ có cuộc đời.

Việc của cha mẹ là mang đứa trẻ đến với thế giới này, và dành cho nó những gì mình có, trong đó có tình yêu. Và chỉ vậy mà thôi. Nó sẽ có cuộc đời của riêng nó. Nó không nợ cha mẹ nó bất cứ điều gì. Bởi vậy hãy để nó rời đi. Rời đi vì nó, và vì chính bản thân mình.


Khi nghe thầy nói tôi hãy còn chưa phải một người cha (giờ vẫn thế), nhưng tôi có thể tưởng tượng làm điều đó khó đến mức nào.

Nhưng chúng ta có thể làm được. Không chỉ với con cái, mà bất cứ người nào chúng ta yêu thương.


3. Tình yêu tối thượng mà bạn có thể trao cho ai đó, là cho phép họ rời bỏ mình.


Đó là những gì tôi gom góp được từ lời dạy của hai người thầy. Sự “buông xả” và sự “cho phép rời bỏ” vốn dĩ là một.


Khi bạn cho phép người ấy rời bỏ mình từ trong tâm trí, không bắt họ mang trách nhiệm với những kì vọng, tổn thương, tủi hờn, lo sợ của mình – bạn sẽ không khởi phát ham muốn kiểm soát và thao túng.


Khi không còn kiểm soát thao túng, người ấy sẽ được hoàn toàn tự do để trở thành thứ họ muốn là, và nên là. Họ vẫn có thể sống tốt dù không có bạn, và bạn cũng vậy. Để rồi những giá trị họ tích lũy được trên hành trình phát triển riêng ấy sẽ được họ ‘hiến tặng” mỗi ngày đến bạn, khiến cuộc đời bạn giàu có lên.


Đọc đến đây, tôi mong bạn hãy nhắm mắt giây lát, tưởng tượng đến một người bạn yêu thương. Bạn có thấy người ấy đang ở ngay sát bên bạn. Nhưng cũng vì quá sát, người ấy đang bị trói buộc bởi những chiếc xúc tu từ bạn vươn ra. Những chiếc xúc tu của kì vọng, tổn thương, tủi hờn, lo sợ.


Giờ hãy tưởng tượng bạn cầm lên cây kéo, tự tay cắt từng chiếc xúc tu. Sẽ đau, tôi biết. Nhưng khi tất cả xong xuôi, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy người ấy đang mỉm cười. Và người ấy không hề bỏ bạn đi.


Bởi bạn cho phép họ rời đi, mà họ sẽ luôn ở đó.


Điều kì diệu đó là phép màu tối thượng của tình yêu.

Yorumlar


bottom of page