top of page

Phần lớn thời gian khi than thở, cái mình cần không phải lời khuyên, mà là sự cảm thông và thấu hiểu

Một người em của mình kể câu chuyện thế này. Em hầu như không để lộ mặt yếu đuối của bản thân bao giờ.


Luôn quyết đoán và mạnh mẽ như thể chẳng điều gì có thể khiến em suy sụp. Duy nhất có một lần em thấy mệt mỏi quá, rắc rối trong công việc, mối quan hệ, rồi đủ kiểu áp lực xuyên suốt một thời gian mới lũ lượt tuôn trào. Thế là trong bữa cơm tối hôm ấy, em thổ lộ với mẹ về những cảm xúc mình đang gặp phải.


Thế nhưng thay vì nhận được sự bình yên như mình mong muốn, cuộc nói chuyện của mẹ và em lại rước thêm nhiều phiền muộn hơn. Mẹ cứ cố gắng đưa ra lời khuyên, đánh giá về lý tính của sự việc hay các hành động mà em làm. Ví dụ: "Đấy thế nên mẹ mới bảo con bớt đi chơi đàn đúm để tập trung làm việc thì mới không có xảy ra sai sót đấy", hay "Mẹ thấy con nên làm như này như kia..."


Dù hiểu rằng xuất phát điểm của những lời đó vẫn là tình cảm và sự quan tâm của mẹ, nhưng ở thời điểm ấy, em cảm thấy như thể bị phản bội và tổn thương rất nhiều. Điều đó đeo bám em mãi và suốt một thời gian dài em chẳng thể mở lòng với mẹ về những rắc rối, nỗi đau của mình được.


Có lần khác mình đi cà phê chém gió với lũ bạn. Một đứa phàn nàn về chuyện người yêu nó chẳng biết an ủi gì cả. Lúc nó kể chuyện sếp khó tính, thay vì an ủi, anh người yêu ấy lại bảo "Ôi dào ai mà chẳng phải chịu vậy có phải riêng mình em đâu mà; Em cứ tránh người ta đi là được có gì đâu mà phải khó chịu,...". Hay một lần khác khi nó đang buồn vì trượt phỏng vấn vào công việc yêu thích, anh này lại an ủi theo kiểu: "anh thấy em cũng không hợp với công việc đó đâu, em nên làm những công việc kiểu này này,..."


Đương nhiên là đứa bạn mìn không hề hài lòng với kết quả này rồi, nó vừa khoa tay múa chân vừa ấm ức kể: "Bản thân tao cũng biết phải làm sao cho phải mà, tao đâu có cần ổng lên lớp đâu. Cái tao muốn chỉ là ổng lắng nghe thấu hiểu cảm xúc tao lúc đó, thế thôi mà cũng khó!"


Thật ra trong cả hai trường hợp trên, không khó để thấy rằng vấn đề không thật sự nằm ở câu chuyện mà là nằm ở cách mọi người phản ứng với nó. Ví dụ, khi mình than thở về chuyện mình ngoo ngốc bị người yêu cũ lừa dối cắm sừng, cái mình muốn không phải là mọi người dạy mình cần nhìn người kĩ hơn hay đề phòng ra sao. Điều mình thật sự mong muốn, và cần, là những cảm xúc kia được lắng nghe và được thấu hiểu.


Mỗi ngày chúng mình có thể lắng nghe cả triệu âm thanh khác nhau, thế nhưng để thực sự lắng nghe và đặt mình vào vị trí của đối phương để thấu hiểu thì còn cần nhiều hơn thế nữa. Đây cũng chính là lí do khiến lắng nghe thấu cảm (empathic listening) trở nên quan trọng tới vậy. Bởi khi ấy, dù cho mỗi người có quan điểm trái ngược nhau, nhưng chừng nào ta vẫn đặt mình vào vị trí của đối phương để lắng nghe và cảm thông cho nhau, mối quan hệ sẽ chẳng hề rạn nứt mà trái lại còn gắn kết hơn.


Suy cho cùng, khi chúng ta than thở, cái ta thực sự muốn không phải là lời khuyên, mà là sự cảm thông và thấu hiểu. Vì cho đi là nhận lại mà, vậy nên lần tới lắng nghe những câu chuyện của người khác, bạn hãy đặt mình vào vị trí của họ và luyện tập lắng nghe thấu cảm nhé.


Học yêu với khóa học Toxic 101 tại: https://www.vietchualanh.vn/khoa-tu-day-du-day-hoc-yeu

Comments


bottom of page