Trong việc giao tiếp, hiểu lầm là việc rất bình thường. Hãy luôn nhớ rằng, không ai giống ai cả. Không ai nghĩ giống bạn cả. Việc mình nói là một chuyện, việc người ta hiểu thế nào là một chuyện hoàn toàn khác. Thế nên làm rõ ý nhau là điều vô cùng quan trọng cho mọi mối quan hệ lành mạnh.
Một trong những hiểu lầm hay gặp nhất trong giao tiếp là hiểu lầm về “khung thời gian”, vì với các khung thời gian khác nhau, ý nghĩa của một câu nói thay đổi rất nhiều. Ví dụ nhé, A là một người luôn nghĩ “dài hạn”, thì khi A nói “Tui ghét ăn cay” có nghĩa là trong suốt cuộc đời họ, họ đã ăn cay nhiều lần và lần nào trải nghiệm đó cũng tệ cả, làm ơn làm phước đời này đừng rủ họ đi ăn cay. Nhưng ngược lại, B là người có lối suy nghĩ tư duy “ngắn hạn”, thì cùng cụm từ “Tui ghét ăn cay” có nghĩa là trong đời, họ cũng ăn cay nhiều lần và biết cay là thế nào rồi, và hiện tại thì ý tưởng đi ăn cay nghe gớm chết đi được.
Với A thì lối nghĩ của B có vẻ cứ sai sai và dễ gây hiểu lầm vì “Tui ghét ăn cay” của ông B sẽ làm A hiểu là họ vẫn luôn luôn ghét ăn cay, và họ sẽ phát điên lên khi một ngày nào đó thấy B thoải mái nhâm nhi nồi lẩu thái cay xè lưỡi trong một đêm đông giá băng. Thế nhưng, thực tế thì cả hai đều đúng. A suy nghĩ theo kiểu logic, còn B đơn giản chỉ thể hiện cảm xúc tại thời điểm đó. Cùng một câu nói y chang nhau, hai cách hiểu và ngữ cách khác nhau 100%.
Vậy nên, đừng “suy diễn” về một lời hứa hay sự thật tương lai nào cho bất cứ lời nói nào của người kia. Nó sẽ khiến những người như A phát điên lên và tức tối, không thể xử lý được những người như B, người bộc lộ cảm xúc hiện tại và sống cho hiện tại.
Tóm lại: Đừng tự suy diễn, mà hãy hỏi luôn đối phương: “Lâu dài của anh là bao xa?”, đơn giản hơn nhiều heng!
Comments