top of page

[Mối quan hệ] Làm sao để người khác lắng nghe mình

Dạo này mình đang đọc cuốn sách NVC - giao tiếp phi bạo lực. Tác giả dạy mình cách thay đổi tư duy, thay đổi ngôn ngữ sao cho kết nối được với đối phương và khiến họ cảm thấy được lắng nghe một cách trọn vẹn. Một trong những cách đơn giản là nhắc lại lời mà người kia nói, chủ động làm rõ vấn đề của họ, hỏi về cảm xúc và chú tâm đến nhu cầu của họ. Ai cũng mong muốn có cảm giác “được lắng nghe”, thế “được lắng nghe” cụ thể là như thế nào?



Thực chất nó chỉ đơn giản là “cảm thấy được thấu hiểu”, “cảm thấy suy nghĩ của mình đã được người kia hiểu và tiếp nhận”, nên việc chúng ta nói ra miệng/nhắc lại lời nói/suy nghĩ của người đó sẽ khiến người đó cảm thấy họ được thấu hiểu. Và sau khi họ đã được lắng nghe đủ, họ sẽ bình tĩnh lại để lắng nghe mình.

Mình nghĩ là ai cũng sợ người khác hiểu lầm, hiểu sai ý nghĩ của mình, ai cũng sợ mình truyền tải thông điệp không rõ ràng. Có thể là xuất phát từ thời tiền sử, con người vẫn là một loài linh trưởng chưa có khả năng phát triển ngôn ngữ. Ta từng phải dùng nhiều cách thức khác nhau để giao tiếp, kết nối với đồng loại. Con người tiền sử vốn yếu hơn các loại động vật khác và con người thông qua việc đoàn kết lại với nhau mà dần dần chiếm được vị trí đứng đầu chuỗi thức ăn. Mà để đoàn kết được thì phải giao tiếp được. Khi đó, con người dần dần tạo ra “ngôn ngữ”, “tiếng nói” - và đó chỉ là công cụ trung gian để con người truyền được suy nghĩ của mình ra ngoài. Mà công cụ thì không phải lúc nào cũng suôn mượt. Hẳn là tất cả chúng ta ai cũng từng có lúc cảm thấy hối hận vì lời mình nói ra chẳng giống như những suy nghĩ thật sự của mình, hoặc cảm thấy nuối tiếc vì ai đó hiểu sai ý mình, mình đã rất nỗ lực giao tiếp song không cải thiện được.


Muốn người ta hiểu được mình, mình cần phải hiểu được người ta trước. Ai cũng muốn nói ra, ai cũng muốn được hiểu, việc đó chẳng khác nào mỗi bên cầm 1 chiếc loa và thi nhau nói. Cách dễ dàng nhất là mình buông chiếc loa của mình xuống và tìm hiểu suy nghĩ, nhu cầu ẩn giấu của người kia trước.

Hôm trước mình đi dạy lớp Viết chữa lành, có một chị học viên kể rằng chị ấy bị một anh đồng nghiệp nói “Em bị ngáo à?” khi chị ấy trình bày một hệ thống công việc mới với anh ta. Câu nói đó khiến chị ấy cảm thấy bị tổn thương và thấy mình không được tôn trọng, chị ấy đã hỏi lại rằng vì sao anh lại nói như vậy. Việc chị ấy hỏi lại là biểu hiện cho thấy chị ấy đã cố nín nhịn sự tổn thương của mình, song năng lượng khi hỏi vẫn là sự công kích. Chị ấy vẫn đang khao khát được bảo vệ bản thân chứ chưa thật sự chuyển dịch năng lượng sang sự thấu hiểu dành cho anh đồng nghiệp. Có một fact mình nghĩ là nó ứng với 90% các trường hợp: Khi ai đó nói gì đó có vẻ xúc phạm mình, họ không có ý hướng đến mình mà họ luôn có ý gì đó về cá nhân họ (giống như phía trên Ngọc có phân tích về việc tất cả chúng ta đều muốn được lắng nghe).


Ví dụ như anh đồng nghiệp kia, (mình phỏng đoán thôi) ý của anh ta thật sự là như sau:

“Em bị ngáo à?” = “Ủa cái gì vậy, anh hoang mang quá, anh không hiểu, hệ thống mới gì đây. Sao anh ko hiểu gì cả?”

Vậy cách giao tiếp hợp lý lúc này là hỏi lại anh ta “Có phải anh đang cảm thấy hơi bực mình vì anh muốn em giải thích rõ ràng cho anh về hệ thống mới đúng không?”. Và ta hoàn toàn có thể chia sẻ lại về cảm xúc của ta “Lúc nãy khi anh hỏi em ngáo à, em cảm thấy hơi bực vì em muốn anh nói chuyện với em nhẹ nhàng hơn”. Hãy nhớ rằng đằng sau mọi lời nói của ta và của người kia đều ẩn chứa một nhu cầu nào đó mà ta càng gọi tên được nhu cầu đó một cách cụ thể thì ta càng dễ được đáp ứng. Và việc ta gọi tên được nhu cầu bên trong của người kia chính là thứ giúp người kia cảm thấy mình được lắng nghe.


Lâu nay mình vẫn luôn loay hoay tìm kiếm giá trị thật sự của việc xem Tarot là gì. Những dự đoán tương lai có thể chuẩn hoặc không, song cho dù nó có chuẩn đi chăng nữa, với kinh nghiệm 8 năm xem và tự xem cho bản thân của mình, mình nhận ra việc biết trước tương lai không hữu ích tới thế. Nhưng giờ mình đã nhận ra việc mình đọc ra được những suy nghĩ của khách hàng, dù rằng mình chỉ nhắc lại chính những gì có sẵn bên trong họ, đã đủ để khiến họ cảm thấy họ tìm được ai đó thấu hiểu mình.

Commentaires


bottom of page