top of page

Câu chuyện làm sao đổi công việc trái ngành trái nghề mà không bị quay lại mức lương ban đầu?

Nếu mọi người vẫn còn nhớ ngay từ lúc mở đầu lớp học, mình có nói là mục đích lớp học là tái định hướng, tức là điều chỉnh cho phù hợp công việc của bạn dựa trên nền tảng, học vấn, kinh nghiệm của các bạn chứ không đập đi và xây lại, vì làm như thế là không khôn ngoan.


Các bạn đã đi qua hành trình có thêm các kiến thức mới để vẽ ra thật rõ bản đồ cuộc đời mình, để thấy mình là ai và mình nên đi tiếp như thế nào. Tức là các bạn muốn đổi nghề đổi việc trái ngành dựa trên kết quả của bản đồ cuộc đời bạn, dựa trên sự chiêm nghiệm 1 thời gian sau khi học lớp và tự tin là nghề trái đó mới là mình, mới phù hợp với mình, mới là bộ đồ Superman của mình để mình thể hiện siêu năng lực giải cứu thế giới.


Vậy làm sao để kiếm mua được bộ đồ Superman đó đây?


Mình tạm thời gọi công việc trước giờ và hiện tại của bạn là A và công việc trái ngành bạn muốn theo đuổi là Z. Bạn hãy nhìn lại A từ lúc bạn bắt đầu đi làm tới giờ, bạn đã có sẵn hay được đào tạo skillset nào: ( có thể hiểu skillset tức là các kĩ năng) ví dụ như kĩ năng thuyết trình, quảng giao, networking, kĩ năng nghiên cứu,…có sẵn database của 1 ngành nào đó, hiểu được cách làm việc của ngành, kĩ năng hiểu được hệ thống hoạt động ra sao hoặc hiểu được sự phân bổ của các điểm bán hàng ở 1 khu vực nào đó. Bạn hãy liệt kê hết tất cả những thứ là kinh nghiệm hay điểm mạnh của bạn.


Làm tương tự với Z, sau đó tìm 1 số mẫu số chung. Mình ví dụ như sau nhé, bạn đang làm Thu Mua muốn chuyển qua làm Supply Chain. Thu mua tức là đòi hỏi có thông tin giá cả, có network và danh sách các nhà cung cấp, có năng lực đọc và review hợp đồng, có khả năng đàm phán và có khả năng quản lí KPI của nhà cung cấp. Bạn muốn chuyển qua Supply Chain, vậy nên chuyển qua vị trí nào của Supply Chain? Order handing? Warehouse? SC performance? SC business partner. Ngoài câu chuyện xem tính cách và năng lực của bạn ( mình đang giả sử là khớp với công việc SC business partner) thì bạn sẽ thuận lợi vì SC BP cần năng lực đàm phán và quản lí KPI của các bộ phận khác trong team SC, tuy nhiên bạn sẽ không phù hợp với Warehouse vì công việc quản lí kho không tiếp xúc nhiều với nhiều người và bạn không có kinh nghiệm trong bảo quản hàng hóa và quản lí kho. Tức là cái công việc mới Z ấy, nó nên là 1 công việc ít nhất có 2-3 skillset mà bạn đang có.


Hoặc ví dụ một bạn làm finance mà muốn qua làm marketing, vậy thì bạn nên chọn Market research bởi vì bạn biết cách nhìn data, biết cách vẽ xu hướng và phân tích tại sao số lại như thế và đang phản ánh thị trường như thế nào. Nếu bản đồ cuộc đời của bạn ra là hợp với Brand thì bạn nên bắt đầu bằng làm Market Research trước, nếu bạn chứng minh được bạn là người có chiến lược, đọc số và thấy được rằng năm sau nên launch sản phẩm nào và discontinue sản phẩm nào, tức là bạn đang chứng minh bạn có năng lực của một người làm brand thì sớm hay muộn, bạn sẽ được cất nhắc qua làm Brand.


Mọi người phải đi một bước khôn ngoan là làm sao cho nhà tuyển dụng thấy được là dù tôi có trái ngành nhưng tôi sở hữu những skillset phù hợp với công việc Z này. Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất.


Sau đó thì hãy biến điểm yếu thành điểm mạnh. Ví dụ công việc A của bạn là finance nên bạn sẽ hiểu rất rõ cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp, gọi là business model hay flow of products, tức là hàng hóa nhập hay sản xuất, bán thông qua nhà phân phối hay trực tiếp, chiết khấu cho nhà phân phối như thế nào, tại sao phải đầu tư cho nhà phân phối, tại sao phải đầu tư cho khách hàng trực tiếp, mục tiêu kinh doanh của các công ty khác nhau là gì? Thế khi bạn qua bước trung gian làm Market research, bạn hiểu được tại sao giá lại chênh lệch giữa công ty bạn và công ty đối thủ, bạn sẽ phân tích nhanh hơn , có insight về doanh nghiệp và thị trường hơn, và bạn phải thể hiện được điều đó khi phỏng vấn một cách cực kì tự tin.


Hoặc nếu bạn đang làm Thu Mua mà chuyển qua Supply Chain thì điểm yếu của bạn là: Thu Mua chỉ là khúc đầu của SC nhưng SC phải là từ lúc mua tới khi bán cho khách hàng, bạn có thể nhấn mạnh rằng vì khi Thu Mua, bạn đóng vai trò là khách hàng nên bạn rất hiểu nhu cầu của khách hàng và bạn cũng là điểm cuối của chuỗi cung ứng phía nhà cung cấp, nên bạn hiểu được rõ hệ thống đi như thế nào, cách thức đặt hàng, lead time và công nợ như thế nào,… Vậy nên bạn có thể tận dụng được điều đó, trong khi các đồng nghiệp của bạn ở team SC nhiều khi không có insight.


Tóm lại, phải vạch ra chiến lược, tìm mẫu số chung giữa A và Z, cần thiết có thể đi bước đệm là B - chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình hoàn toàn không phải là trang giấy trắng, mình có những năng lực phù hợp với vị trí tuyển dụng đó, hơn thế, mình có những điểm mạnh đặc thù mà các ứng viên thông lệ trong ngành không có.


Tiếp theo, bạn phải hiểu được nhà tuyển dụng, các công ty nước ngoài, start up hay thậm chí các công ty Việt Nam đều muốn sự đa dạng. Team càng nhiều background khác nhau, càng nhiều màu sắc càng tốt bởi vì như thế mới thuận lợi cho công ty. Bởi lẽ background khác nhau thì insight càng đa dạng, nhiều ý tưởng hơn, sáng tạo hơn, làm khác những gì công ty đã làm những năm qua. Từ đó mới có được những thay đổi tích cực và giúp công ty cạnh tranh được trong thế giới thay đổi từng ngày.


Sẵn tiện nói tới chuyện thay đổi từng ngày, đừng bất ngờ khi một tập đoàn có thể sụp và rời Việt Nam trong 3 tháng không báo trước nhé. Bởi lẽ sự tan rã, sát nhập và mua mới luôn diễn ra hàng ngày khắp nơi trên thế giới. Đến công ty còn thay đổi cấu trúc, vậy thì chuyện sếp thay đổi, team tan rã, sếp mới, nhập team…là một lẽ dĩ nhiên. Những thứ cũ kĩ hay truyền thống sẽ không còn được ưu tiên nữa. Vậy thì cái gì được ưu tiên? Đó chính là khả năng thích ứng, sự linh hoạt, nhạy bén cũng như quản trị sự thay đổi.


Một ứng viên dám làm trái ngành chắc chắn đã lường trước được nhiều sự đổi thay. Một người sẵn sàng linh hoạt thay đổi bản thân chính là giá trị mà tất cả các công ty hiện tại đang cần (mình đã tham gia các hội thảo nghiên cứu và có báo cáo hẳn hoi nhe các bạn).


Bạn có để ý rằng câu cuối nhà tuyển dụng muốn biết khi phỏng vấn thường là: “điều gì ở công ty có thể làm em ở lại và gắn bó với công ty” không? Vậy trong trường hợp chuyển ngành, làm trái ngành thì mình sẽ trả lời ra sao đây? Đương nhiên là vì em muốn thay đổi, em muốn học hỏi, mỗi ngày em thức dậy em vui vì em làm được cái em thích mà công ty cho em điều đó rồi! Nếu so với các bạn đang làm trong ngành, họ làm gì còn niềm yêu thích và động lực với sự kích thích mỗi ngày như em đâu? Chả lẽ họ lại nói thẳng là làm vì tiền? Sao mà nói thế được. Chả lẽ nói là vì công ty to chuyên nghiệp? Bởi nếu thế thì bình thường quá.


Hãy hiểu rằng mỗi lần tuyển người mới đều vô cùng tốn tiền, tốn công và tốn sức. Vậy nên không công ty nào muốn phải tuyển hoài đâu. So sánh với một đứa biết hết rồi nhưng đòi hỏi lương cao sếp đàng hoàng team hỗ trợ công việc, không bắt nó ở khuya cũng không phải đi công tác nhiều, nếu không được là nó nghỉ. Còn bạn không quan tâm mấy chuyện này vì bạn đang vui, vòng quay cuộc sống của bạn đang là thay đổi, đang là niềm vui đang là học hỏi nên bạn không quan trọng những chuyện kia. Vậy bạn nghĩ là nhà tuyển dụng nên tuyển bạn không? Có chứ!


Cuối cùng bạn đã hình dung rõ bộ áo Superman trông như thế nào, kích cỡ ra sao và nên mặc chất liệu gì thì bền, xong bạn thuyết phục được người ta là bạn đang cần nó đến mức nào rồi và người ta cũng nên bán cho bạn vì bạn quá phù hợp. Giờ thì bạn cần thực hành Luật Hấp Dẫn, viết ra cụ thể công việc bạn mong muốn như thế nào, môi trường công ty như ra sao, viết ra và tin là bạn sắp có rồi, hãy gửi tín hiệu ấy tới vũ trụ.


Xong đi đâu gặp ai cũng nói là tôi muốn thế, muốn tìm công việc như thế, như bài trước minh chia sẻ là nên nói với sếp, rồi HR, bạn có thể nói với bất kì ai, bạn thân hay thậm chí là không thân, anh hàng xóm, người bạn hẹn hò online, sếp team kia, chị sếp cũ, người mới quen,… Đừng quên join các group về ngành mới, làm quen các bạn ở trong ngành, kiếm job liên quan, chỉnh CV, tập phỏng vấn,…


Xong rung đùi chờ cơ hội tới, hãy yên tâm rằng bạn sẽ không bị quay về mức lương như mới ra trường. Bởi lẽ bạn không định giá bạn là chiếc điện thoại nghe gọi đập đá, bạn đang đinh giá bạn là smart phone có data chụp hình đẹp 2 SIM, chỉ là cơ chế của bạn hơi khác thôi, người ta Iphone thì bạn ít nhất cũng Samsung thế hệ mới. Vậy làm sao để biết mình có được định giá đúng với giá trị Samsung trên thị trường không? Là làm sao biết người ta đang nhìn nhận mình theo giá Thế Giới Di Động bán hay theo giá Điện Máy Xanh hay FPT hay hàng xách tay, bài sau bạn nhé.

Comments


bottom of page